Wikia Nhật Bản
Advertisement

1. Vì sao cần hỏi kinh nghiệm những người đi trước

OB OG訪問 là cụm từ được dùng để chỉ việc liên hệ làm quen với những người đi trước nhằm thu thập thông tin về công ty mình có nguyện vọng xin vào. Đương nhiên, các thông tin cơ bản của công ty có thể được tìm thấy thông qua trang web hay catalog của công ty. Nhưng cùng với đó, cũng sẽ có nhiều những đặc trưng hay những “luật bất thành văn” trong nội bộ công ty không được đăng tải trên phương tiện đại chúng nào cả. Ví dụ như bạn muốn hỏi về không khí hay các mối quan hệ trong công ty, hoặc chi tiết các chế độ, lương thưởng thì chỉ có những người đang trải qua mới có thể giải đáp cho bạn. Và cũng qua cơ hội tiếp xúc với chính nhân viên trong công ty, có thể bạn sẽ có được cảm nhận phần nào về nét chung của những thành viên của công ty đó, qua đó nhận ra mình có phù hợp với môi trường làm việc hay không.

Trên thực tế, đối với lưu học sinh thì OB OG訪問 cũng không phải là vấn đề then chốt khi đi xin việc như các sinh viên Nhật. Tuy nhiên, khi có người đi trước dẫn đường chỉ lối thì sẽ có thể giảm thiểu gánh nặng trong việc tìm kiếm, đánh giá thông tin về công ty. Ví dụ như các lưu học sinh sẽ thường quan tâm nhiều hơn về các chế độ dành cho người nước ngoài trong công ty, hay là các bí quyết phát huy được điểm mạnh cá nhân, hạn chế được các điểm yếu về ngôn ngữ hay văn hoá trong môi trường làm việc cùng với các đồng nghiệp người Nhật.

2. Làm thế nào để xin được địa chỉ liên hệ các OB-OG

Khi liên hệ với các OB-OG, tuỳ từng nhóm đối tượng sẽ có những cách “tiếp cận” khác nhau. Trước hết, xin được chia thành 2 nhóm đối tượng như sau:

   Sempai người Nhật ( hay sempai người nước ngoài).
   Sempai người Việt.


A) Đối với sempai người Nhật hay người nước ngoài:

Thông thường, bạn có thể được thông tin về các sinh viên mới tốt nghiệp qua 就職課 - trung tâm hỗ trợ việc làm của trường đại học. Cũng có trường hợp do tính bảo mật của thông tin, bạn phải nhờ trung tâm hỗ trợ việc làm làm trung gian để có thể liên hệ với các sinh viên khoá trên.

Bên cạnh đó, các thông tin hữu ích có thể được tìm thấy thông qua buổi giao lưu giữa các cựu sinh viên và sinh viên do trường đại học tổ chức hoặc qua hướng dẫn trực tiếp của bộ phận nhân sự thuộc công ty tuyển dụng. Và có lẽ nhiều nhất là qua giới thiệu từ những mối quan hệ quen biết.

B) Sempai người Việt:

Quá trình xin việc đối với sinh viên Nhật đã khó, đối với lưu học sinh Việt Nam lại càng khó khăn hơn nữa, do những trở ngại rất lớn về ngôn ngữ cũng như sự thụ động, thiếu thông tin trong quá trình tìm việc. Quả thật, chỉ có những người đi trước đã trải qua những “chông gai” đấy mới hiểu đầy đủ và rõ ràng nhất khó khăn bạn đang phải đối mặt và đưa ra được những lời khuyên xác đáng.

Trên thực tế, nhìn một cách bao quát, sempai người Việt không chiếm số đông trong các mối quan hệ ( nếu không nói là thiểu số). Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đây chính là nguồn tin hữu ích và thiết thực nhất mà chúng ta có thể nhận được khi xin việc. Vì vậy, bạn còn ngần ngại gì mà không liên lạc và học hỏi kinh nghiệm từ những “nguồn thông tin” đáng quý này.

Một nguồn thông tin ( mà rất nhiều người quên không tận dụng) cũng rất đáng kể tới, đó là Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản VYSA. Cũng với mong muốn giúp đỡ các sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản có sự chuẩn bị kỹ càng để thành công trong việc tìm được công việc như ý muốn, hàng năm Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Ngày hội việc làm VYSA JOB FAIR 2010, tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa sinh viên Việt Nam và các nhà tuyển dụng Nhật Bản. Những ngày hội việc làm như vậy thực sự rất đáng có trong hành trình xin việc của mỗi lưu học sinh.

3. Nội dung những điều cần tìm hiểu

Vậy khi đã tạo dựng được mối quan hệ, cần “tận dụng” nó như thế nào. Thật không dễ dàng gì để có thể gặp được sempai, vì thế lời khuyên đưa ra ở đây là bạn cần chuẩn bị trước những điều cần hỏi trước buổi gặp mặt để tránh lãng phí thời gian của hai bên. Câu hỏi dự trên những băn khoăn thắc mắc của cá nhân nên có thể khác nhau tuỳ vào mỗi người.

A) Định hướng nội dung hỏi:

Trước hết, xin được đưa ra một vài gợi ý về nội dung câu hỏi như sau:

   Về nội dung/ môi trường công việc: điểm thú vị cũng như khó khăn đặc thù của công việc, có quy định làm thêm giờ không, nếu có thì thời gian và chế độ như thế nào.
   Về bầu không khí làm việc: mối quan hệ giữa các nhân viên trong công ty, sự phối hợp giữa các bộ phận, v.v…
   Về các chế độ, quy định ban hành trong nội bộ công ty: cách bố trí công việc cho nhân viên mới, chương trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, v.v…
   Về kinh nghiệm thực tế rút ra từ chính quá trình đi tìm việc của sempai.

Tuy nhiên, với những câu hỏi hơi “sâu sát” quá như về nội dung lương bổng hay chế độ nghỉ phép thì bạn cũng nên tự hỏi mình về tính nhạy cảm của nó và rằng có thực sự cần thiết hay không.

B) Các mẫu E-mail hữu ích:

Thông thường trên danh thiếp hay phần ghi địa chỉ liên lạc của các sempai, luôn có địa chỉ E-mail. E-mail hay gọi điện thoại là cách thông thường, tiện dụng và phù hợp nhất khi tạo những mối liên hệ có tính chất công việc. Tuy nhiên, e-mail là cách các sempai khuyến khích dùng hơn cả để có thể tạo ra sự thuận tiện và thoải mái cho cả hai bên, người đi hỏi và người được hỏi.

Bạn có thể tham khảo một số mẫu e-mail được sử dụng khi đi OB・OG訪問 dưới đây:

   Mail dùng để liên hệ với các sempai: http://www.mensetsunooudou.com/manner/070_mail/020_obog_houmonn/010_irai/
   Mail dùng để cảm ơn sempai:

http://www.mensetsunooudou.com/manner/070_mail/020_obog_houmonn/020_orei/

   Mail dung để thông báo khi đã trúng tuyển ( nhận được naitei):

http://www.mensetsunooudou.com/manner/070_mail/020_obog_houmonn/020_orei/

Advertisement